TT - Lúc còn nhỏ, tôi chỉ biết học là học, học để thuộc bài, học để thi cho đậu, học để lấy bằng... Có những môn mình thích thì mình tha thiết, học lấy học để, học không chán, nhiều khi còn bỏ ăn bỏ ngủ... Những môn không thích hoặc yếu kém thì tìm hết cách tránh né, và chỉ học lấy lệ, đủ để thi cho đậu là được rồi!
Mãi đến quá nửa thế kỷ tuổi đời, tôi mới "vỡ nhẽ” ra là việc học có hai phần chính: học để "làm việc" và học để "làm người". Thường thì môn học nào cũng có ứng dụng cho cả hai bên, và rất ít môn nào chỉ dùng được vào một việc thôi.
Toán chẳng hạn, phần lớn dùng để "làm việc", nhưng toán cũng dạy mình phân biệt rõ ràng cái đúng, cái sai... và từ đó có thể giúp người đang lớn lên biết tự kỷ luật phần nào. Ngược lại, triết học hoặc xã hội học giúp mình tự hiểu mình, hiểu người, từ đó hi vọng sẽ biết xử sự, biết "làm người", nhưng cũng có ứng dụng vào công việc, vào chính sách xã hội.
Tôi cũng nghiệm ra rằng phương pháp sư phạm phải mềm dẻo và thích nghi với từng lớp tuổi. Khoảng từ 3-10 tuổi, các em còn trong giai đoạn hấp thụ hoàn toàn: người thầy giáo, cũng như cha mẹ, phải chỉ dẫn con em từng li từng tí. Nhưng khoảng từ 8 tuổi trở đi, cả cha mẹ lẫn các thầy cô đều phải bắt đầu tập cho các em biết chọn lựa và từ từ biết phán đoán. Khả năng biết chọn lựa sáng suốt sẽ là "khí giới tùy thân" quan trọng nhất cho mỗi người trong suốt cuộc đời sau này.
Lên đến bậc trung học, nhất là vào cấp III, người thầy giáo sẽ chuyển vai trò của mình từ việc "dạy" sang việc "hướng dẫn" các em, để các em biết cách tìm ra những kiến thức cập nhật nhất, và tập phán đoán một cách nghiêm túc. Người thầy đứng bên cạnh để hướng dẫn, cũng như để nâng đỡ các em khi các em làm sai; nhưng các em phải biết cái sai và biết sửa sai.
Trong gia đình cũng vậy, khoảng từ tuổi 15, 16 trở lên, cha mẹ cũng phải từ từ lùi lại, nhường bước cho con cái tập phán đoán và tự chọn lựa, cho các con quen dần với các quyết định cho đời mình sau này.
Xin đơn cử hai thí dụ. Trong gia đình, nhiều em khoảng 8, 9 tuổi thường hay xin bố mẹ cho nuôi con chó hay mèo. Thông thường bố mẹ quyết định dựa trên căn bản có tiện lợi cho cả nhà hay không; và đứa con cũng phải vâng lời. Nhưng nếu cha mẹ dùng cơ hội này bảo đứa con đi tìm tòi thêm về các giống chó, xem giống nào hợp với hoàn cảnh của gia đình, nhất là đứa con phải tự nguyện sẽ chăm sóc con chó này, chứ không dựa vào bố mẹ hay anh chị...
Như vậy, bố mẹ dạy con được mấy bài học thực tế rất hay: biết tìm thông tin, dữ kiện... giúp việc học hành sau này; biết tự nhận lấy trách nhiệm và sẽ phải thi hành; hiểu thêm về chính mình: muốn con chó hay muốn dành thì giờ để chơi hơn; biết hậu quả của hành động của mình và tập phán đoán, chọn lựa có suy nghĩ, chứ không phải bốc đồng.
Trong lớp học cũng vậy. Học sinh đặt một câu hỏi có vẻ "căn bản", người thầy có thể trả lời cặn kẽ hoặc trả lời lấy lệ, hoặc cho học sinh giải đáp mà không cắt nghĩa gì, hoặc để dành cắt nghĩa ở lớp học tư. Nhưng hay hơn, thầy giáo có thể giao cho học sinh hoặc một nhóm học sinh trong lớp nghiên cứu thêm về câu hỏi này rồi trình bày cho cả lớp, thầy giáo chỉ cần hướng dẫn để các em khỏi đi sai đường thôi. Một công, ba bốn việc: dạy học sinh tìm tòi; dạy học sinh tự tin; dạy học sinh biết cộng tác với nhau, chứ không chỉ cạnh tranh với nhau để lấy điểm cao...
Sau nhiều năm đi học và dạy học, càng ngày tôi càng chấp nhận vai trò mới và hợp lý hơn của người làm thầy. Tạm gọi là có hai phần: một bên là truyền bá lại kiến thức đã thu thập được, và hướng dẫn học sinh tìm tòi thêm; và bên kia, quan trọng hơn, là hướng dẫn các em biết chọn lựa và tự quyết định.
GS VŨ ĐỨC VƯỢNG
Theo tuoitre.com.vn
|